Hội thảo “Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý”

Giờ làm việc

8:00 - 16:30

Hotline

0942976963

    Hội thảo “Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý”

    Thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tham dự hội thảo với chủ đề “Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý” do Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức vào chiều ngày 28/7/2022. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
    Tham dự hội thảo có các đại diện lãnh đạo và luật sư đến từ Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia, Đoàn Luật sư CHDCND Lào, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

    Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tham dự hội thảo có: Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Huỳnh Phương Nam – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

    Hội thảo “Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý”

    Hội thảo được chia làm 02 phiên làm việc. Nội dung cụ thể các phiên làm việc như sau:

    Phiên 1: Đánh giá kết quả về các hội thảo trong Dự án và nêu sáng kiến hợp tác để tăng cường tiếp cận công lý trong khu vực 

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Matsumura, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản bày tỏ vui mừng và niềm vinh dự khi được chào đón các đại biểu của các Hiệp hội luật sư đến từ 03 nước trong khu vực Đông Nam Á là Việt Nam, Lào, Campuchia tham dự Hội thảo trực tuyến " Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý" do Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức, đây cũng là hội thảo cuối cùng thuộc Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý” do Quỹ TOYOTA Nhật Bản tài trợ.

    Tại Phiên 1 của Hội thảo, các Luật sư đưa ra những đánh giá về kết quả của các Hội thảo mà từng Hiệp hội đã thực hiện với Liên đoàn luật sư Nhật Bản trong thời gian qua, từ đó nêu ra những sáng kiến để tăng cường tiếp cận công lý ở khu vực. 

    Tại phần báo cáo của mình, ông Srun Sirith, đại diện Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia đã trình bày về 02 Hội thảo với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm của luật sư” mà Liên đoàn luật sư Nhật Bản đã phối hợp với Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia tổ chức, có sự tham dự của các đại diện Đại học Kinh tế-Luật Hoàng gia Campuchia và Đại học Battambang (Campuchia). Tại 02 Hội thảo này, các luật sư đã trao đổi các nội dung về việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người luật sư và nghề luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý với người dân, xã hội, cộng đồng và nhà nước pháp quyền, luôn coi trọng quyền tiếp cận công lý của công dân, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

    Quyền Chủ tịch của Đoàn luật sư CHDCND Lào, ông Volatsamy Soulipaphanh chia sẻ về những thách thức hiện tại của Đoàn Luật sư CHDCND trong việc tiếp cận công lý như một số tỉnh của Lào không có luật sư hoạt động, nguồn tài chính hạn hẹp để thực hiện trợ giúp pháp lý trên phạm vi toàn quốc. Trong thời gian, Đoàn luật sư sẽ tăng cường các hoạt động đó là tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng sâu vùng xa để nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền, tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, bồi dưỡng năng lực của đội ngũ luật sư và tiến cử một số luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh không có luật sư. 

    Trong phần trình bày của đại diện Việt Nam, Luật sư Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đánh giá cao kết quả của 02 Hội thảo mà Liên đoàn đã phối hợp cùng Liên đoàn luật sư Nhật Bản tổ chức bao gồm hội thảo “Công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật tại Việt Nam và Nhật Bản” (ngày 23/3/2022) và Hội thảo “Cách thức tăng cường tiếp cận công lý tại vùng sâu vùng xa tại Việt Nam và Nhật Bản” (ngày 13/6/2022). Luật sư Dũng đánh giá cao những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo, từ đó luật sư hai nước có thể cập nhật thông tin về pháp luật, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng linh hoạt vào công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở mỗi nước. Theo Luật sư Dũng, để tăng cường tiếp cận công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật cho người dân, mỗi quốc gia cần xây dựng một chiến lược tư vấn và trợ giúp pháp lý dựa trên nghiên cứu nhu cầu về vấn đề này trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến nhu cầu của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Ngoài ra, bảo đảm tính bền vững của các chương trình trợ giúp pháp lý bằng cách mở rộng phạm vi chủ thể cung cấp dịch vụ này tới các đoàn luật sư, hội luật gia, các văn phòng, công ty luật tư nhân, các trường luật cũng như các tổ chức xã hội khác. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, phối hợp với các tổ chức của cộng đồng để xác định chiến lược tuyên truyền, giáo dục pháp luật dựa trên nghiên cứu về nhu cầu và sự hiểu biết pháp luật của từng nhóm đối tượng cụ thể. Các tổ chức chính trị - xã hội cần rà soát lại các mô hình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ các phương tiện truyền thông trong phổ biến thông tin pháp luật; thường xuyên thu thập dữ liệu về các vụ việc được ghi nhận tại địa phương, cấp tỉnh hay cấp quốc gia, và giám sát việc giải quyết, xử lý các vụ việc; hằng năm đánh giá về công tác trợ giúp pháp lý và đo lường hiệu quả.

    Phiên 2: Bài học kinh nghiệm rút ra từ những hội thảo song phương và đề xuất phương hướng để tăng cường tiếp cận công lý 

    Luật sư Dany, đại diện Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia và Luật sư Khatsavang, đại diện của Đoàn Luật sư CHDCND Lào chia sẻ, hai quốc gia luôn coi trọng quyền tiếp cận công lý của công dân, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Lào và Campuchia đều đã xây dựng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy và mở rộng việc trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp.

    Trên thực tế, cũng có rất nhiều Luật sư tham gia trợ giúp miễn phí, qua đó nâng cao vị thế của Luật sư trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như số người cần sự trợ giúp pháp lý lớn hơn nhiều so với số lượng luật sư; hạn chế về mặt tài chính. Các luật sư của Lào và Campuchia cũng đề xuất trong khuôn khổ các Dự án về Tiếp cận công lý, cần đưa vào các chương trình giáo dục, tổ chức tập huấn trong hệ thống pháp lý đa kênh ở cơ sở để nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân từ cấp quốc gia đến cấp địa phương vào quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý đến người dân. Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cơ quan/cá nhân hỗ trợ pháp lý để có thể xử lý tốt hơn các vụ việc ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

    Tại phiên này, Luật sư Huỳnh Phương Nam – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá cao những kinh nghiệm của các luật sư Nhật Bản tại 02 hội thảo, trong đó có mô hình giáo dục pháp luật và áp dụng các phiên tòa giả định trong chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giúp học sinh được cập nhật kiến thức pháp luật và tư duy phản biện. Luật sư cũng chia sẻ một số hoạt động của đội ngũ luật sư Việt Nam trong công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật như các chương trình tư vấn pháp luật học đường, cuộc thi hùng biện, phiên tòa giả định. Đối với việc tăng cường tiếp cận pháp luật ở vùng sâu vùng xa tại Việt Nam, luật sư nhấn mạnh rằng hoạt động này được chú trọng bằng việc từ năm 1999 đã thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và trẻ em. Ngoài ra, các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động cũng thường xuyên được tổ chức, các luật sư còn tự nguyện đóng góp kinh phí để hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Cuối phần trình bày của mình, Luật sư Nam đưa ra một số phương hướng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật như cơ chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với các trường đại học có chuyên ngành luật để triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và sứ mệnh của nghề luật sư cũng như định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên đang theo học chuyên ngành luật; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho luật sư, bảo đảm cơ sở vật chất và nguồn lực để triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.

    Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Matsumura, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản cho biết, mỗi quốc gia sẽ có định hướng, tầm nhìn chiến lược và cách thức nhằm thúc đẩy tiếp cận công lý khác nhau, do đó việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia là thiết thực và quan trọng để có thể tham khảo cách làm của nhau, qua đó áp dụng một cách linh hoạt cho việc nâng cao tiếp cận công lý ở quốc gia của mình. 

    Cuối cùng, đại diện Liên đoàn Luật sư Nhật Bản hy vọng sẽ có thêm cơ hội được phối hợp cùng các Hiệp hội luật sư của các nước để triển khai các hoạt động giao lưu, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về nghề luật sư giữa các quốc gia trong khu vực.

    Hội thảo đã cung cấp các thông tin, kinh nghiệm của luật sư 04 nước Nhật Bản, Việt Nam, Lào và Campuchia trong công tác trợ giúp pháp lý và nâng cao năng lực tiếp cận công lý của người dân. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cập nhật được thêm nhiều thông tin và lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm của các nước trong khu vực về công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, qua đó xem xét, áp dụng khi thực hiện triển khai công tác của đội ngũ luật sư Việt Nam, nâng cao hơn nữa vai trò của luật sư Việt Nam trong việc tăng cường tiếp cận công lý cho người dân. 

    Nguồn: https://www.liendoanluatsu.org.vn/

    icon zalo