Vì sao công ty hay bị thua kiện người lao động?

Giờ làm việc

8:00 - 16:30

Hotline

0942976963

     

    Vì sao công ty hay bị thua kiện người lao động?

    Thời gian gây đây ngày càng có nhiều công ty bị người lao động cũ (đã nghỉ việc) khởi kiện ra tòa án và kết quả thường là công ty bị thua kiện, phải bồi thường cho người lao động khoản tiền lớn và uy tín của công ty bị ảnh hưởng.

    Có thể liệt kê ra một số vụ án gần lao động gần đây:

    1. Ngày 22/9/2014, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xét xử, tuyên buộc một công ty có trụ sở chính ở Khu công nghiệp Nội Bài, TP Hà Nội phải bồi thường cho ông Pablo Rosario Rostata số tiền 60.450 USD (tương dương 1.2 tỷ VNĐ) do công ty nơi ông làm việc sa thải trái pháp luật.
    2. Ngày 30/12/2014, Tòa án nhân nhân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xét xử, tuyên buộc một công ty có trụ sở chính ở Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa phải bồi thường cho bà Nguyễn Thanh Uyển số tiền 681 triệu đồng do công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà Uyển.

    3. Trước đó, ngày 20/10/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên buộc một công ty có trụ sở chính tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Lung số tiền 1,3 tỷ đồng do công ty đã sa thải ông Lung trái pháp luật).

    Vậy, tại sao các công ty hay bị người lao động cũ kiện ra tòa án và hay bị thua kiện?

    Trong quan hệ với công ty, người lao động là bên yếu thế hơn, nhưng khi bị khởi kiện ra tòa án thì công ty lại hay bị thua kiện. Điều này liệu có bất thường không, phải chăng tòa án thiên vị cho người lao động?

    Câu trả lời là không bất thường và không phải tòa án thiên vị cho người lao động, mà nguyên nhân là do công ty đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về nội dung, trình tự, thủ tục giải quyết cho người lao động nghỉ việc.

     Việc công ty cho người lao động nghỉ việc dẫn đến bị kiện ra tòa án gồm hai trường hợp là: công ty xử ý kỷ luật sa thải người lao động và công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân công ty thua kiện trong từng trường hợp cụ thể:

    1. Trường hợp công ty sa thải người lao động:

    Lý do phổ biến dẫn đến công ty hay thua kiện sau khi kỷ luật sa thải người lao động là: công ty không chứng minh được lỗi của người lao động nhưng vẫn xử lý kỷ luật sa thải; không tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động hoặc có tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cơ sở; hành vi mà công ty làm căn cứ xử lý kỷ luật lao động không được quy định trong bản nội quy lao động đã được đăng ký với Sở LĐTB&XH hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp (đối với công ty nằm trong khu công nghiệp) nơi công ty có trụ sở; người ký quyết định xử lý kỷ luật sa thải không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty; công ty chưa làm thủ tục thông báo bằng văn bản đủ 03 lần mà đã kỷ luật vắng mặt người lao động.

    Ngoài ra, có một số lý do không phổ biến nhưng cũng phát sinh trong thực tiễn, đó là: công ty kỷ luật sa thải trong thời gian người lao động được nghỉ phép, nghỉ ốm đau; xử lý kỷ luật sa thải sau khi đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

    2.Trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

    Đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, có hai nguyên nhân dẫn đến công ty bị thua kiện là:

    Một là: Căn cứ để công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không đúng với quy định của pháp luật. Công ty thường đưa ra lý do là người lao động không hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao, nhưng khi ra tòa công ty lại không chứng minh được người lao động đã không hoàn thành công việc, nhiệm vụ như thế nào vì không có định mức công việc, không lập biên bản hành vi không hoàn thành công việc, trong khi hợp đồng lao động lại ghi rất chung chung về công việc của người lao động.

    Hai là: Công ty không thực hiện đúng thời hạn báo trước cho người lao động trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi không muốn người lao động tiếp tục làm việc, nhiều công ty yêu cầu người lao động nghỉ việc ngay, chỉ đạo bảo vệ không cho người lao động vào công ty làm việc, trong khi đó pháp luật lao động Việt Nam quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty phải báo trước cho người lao động biết trước 45 ngày, 30 ngày, hoặc 03 ngày - tùy loại hợp đồng lao động.

    Công ty chỉ cần vi phạm một trong các trường hợp trên sẽ bị thua kiện người lao động.

     

     

    icon zalo